Hiểu Đúng Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Bệnh Đau Mắt Đỏ

Đau mắt đỏ làm bạn khó chịu và dễ lây lan cho mọi người? Tìm hiểu ngay nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả ngay tại nhà.
Đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến mắt. Căn bệnh có khả năng lan nhanh và có thể ảnh hưởng đến người ở bất kỳ độ tuổi nào. Đặc biệt là ở trong cộng đồng đông người như trường học, văn phòng, khu dân cư. Dù được xem là một bệnh lý không nghiêm trọng, nhưng nếu không được xử lý đúng phương pháp, đau mắt đỏ vẫn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến thị lực. Qua bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Thái Bình sẽ giúp bạn hiểu rõ về bệnh tình đau mắt đỏ này để có những cách điều trị hay biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Đau mắt đỏ là gì
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng viêm nhiễm ở màng kết mạc. Đó là một lớp màng trong suốt, mỏng, phủ lên phần lòng trắng của nhãn cầu và mặt trong của mí mắt. Khi bị viêm, mạch máu ở kết mạc giãn ra, khiến mắt bị đỏ, ngứa, cộm và có thể chảy nước mắt hoặc dịch nhầy.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Nắm rõ từng nguyên nhân sẽ hỗ trợ bạn trong việc điều trị một cách hiệu quả hơn.
Viêm kết mạc do dị ứng
Viêm kết mạc do dị ứng xảy ra khi mắt phản ứng với các tác nhân như bụi, phấn hoa, lông thú hoặc hóa chất. Ở giai đoạn này, người mắc bệnh thường cảm thấy ngứa mắt dữ dội, mắt đỏ nhưng không có khả năng lây lan. Loại viêm này có thể kéo dài nếu tiếp xúc với dị nguyên - Các chất gây kích thích phản ứng dị ứng.
>> Xem thêm: Phương Pháp Chăm Sóc Mắt Khỏe Mạnh
Viêm kết mạc do virus
Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau mắt đỏ. Bệnh thường do virus Adeno lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc tay mắt. Bệnh dễ lây lan trong cộng đồng và có thể bùng phát thành dịch. Ngoài các triệu chứng ở mắt, người bệnh còn có thể bị đau họng hay sốt nhẹ.
Viêm kết mạc do vi khuẩn
Vi khuẩn xâm nhập vào mắt qua tay bẩn, nguồn nước ô nhiễm hoặc vật dụng cá nhân là nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc. Triệu chứng thường gặp là mắt đỏ kèm dịch mủ màu vàng hoặc xanh, dễ gây dính mi mắt vào buổi sáng. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể lan sang mắt còn lại hoặc lây cho người khác.
Dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ
Nhận biết sớm các dấu hiệu đau mắt đỏ đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất của đau mắt đỏ mà bạn cần chú ý.
Mắt đỏ, ngứa và cộm như có dị vật
Đây thường là dấu hiệu phổ biến nhất. Bệnh nhân thường cảm thấy như có vật lạ trong mắt, dẫn đến hành động dụi mắt liên tục, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Ban đầu, mắt đỏ chỉ xuất hiện ở một bên, nhưng nếu không được vệ sinh và điều trị đúng lúc, triệu chứng sẽ lan sang mắt còn lại.
Chảy nước mắt, có thể kèm theo dịch nhầy hoặc mủ
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, dịch tiết ở mắt có thể trong, nhầy hoặc đặc quánh như mủ. Trường hợp viêm kết mạc do virus thường gây chảy nhiều nước mắt trong, trong khi nguyên nhân do vi khuẩn lại đi kèm với dịch mủ màu vàng hoặc xanh, đôi khi có mùi hơi khó chịu.
Mí mắt sưng nhẹ, dính lại vào buổi sáng
Nhiều người khi thức dậy thấy mắt khó mở hoặc mí mắt bị dính chặt, phải lau rửa mới có thể mở ra được. Tình trạng này xảy ra do dịch tiết tích tụ suốt đêm. Chúng thường gặp ở viêm kết mạc do vi khuẩn.
Cảm giác nóng rát hoặc đau nhẹ
Ngoài cảm giác cộm và ngứa, người bệnh cũng có thể cảm thấy nóng rát hoặc đau nhức nhẹ quanh hốc mắt. Cơn đau không dữ dội nhưng kéo dài âm ỉ khiến mắt mỏi. Đồng thời, chúng làm giảm sự tập trung và ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày.
Sốt nhẹ, đau họng
Khi đau mắt đỏ do virus, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng giống cảm cúm. Chúng bao gồm bệnh lý như sốt nhẹ, đau họng, nổi hạch trước tai. Đây là lý do đau mắt đỏ do virus dễ bị nhầm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường nếu không quan sát kỹ mắt.
Cách điều trị đau mắt đỏ hiệu quả
Việc điều trị đúng cách sẽ giúp bệnh nhanh khỏi và không để lại biến chứng. Tùy từng nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Dị ứng và cách điều trị
Trong trường hợp viêm kết mạc do dị ứng, điều quan trọng hàng đầu là cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như bụi bẩn, lông động vật, hóa chất hoặc phấn hoa. Người mắc bệnh cũng nên vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra, thuốc nhỏ mắt chứa kháng histamin hoặc corticosteroid nhẹ có thể được kê toa để giảm triệu chứng. Đây đều là những thành phần hỗ trợ điều trị viêm và dị ứng tốt.
Điều trị đau mắt đỏ do virus
Vì đây là bệnh do virus nên thường không cần dùng đến kháng sinh. Người bệnh cần vệ sinh mắt sạch sẽ và tránh tiếp xúc với người khác để hạn chế lây lan. Nếu có biểu hiện viêm nặng, bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ mắt giảm viêm để làm dịu triệu chứng.
Điều trị đúng viêm kết mạc do vi khuẩn
Trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn cần được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh như Tobramycin hoặc Chloramphenicol (có tác dụng trị vi khuẩn, nhiễm khuẩn) theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần giữ vệ sinh mắt sạch sẽ và không dùng tay dụi mắt. Đặc biệt, hãy tránh dùng chung đồ cá nhân để ngăn ngừa lây nhiễm. Nếu điều trị đúng cách, bệnh thường cải thiện chỉ sau vài ngày.
>> Xem thêm: Các Sai Lầm Khi Chăm Sóc Da Khiến Da Trở Nên Xấu Hơn
Kết luận
Một đôi mắt sáng khỏe không chỉ giúp bạn nhìn rõ mọi thứ mà còn phản ánh sức khỏe tổng thể. Đau mắt đỏ là tình trạng bệnh nhẹ nhưng lại dễ lây lan và gây phiền toái nếu không được xử lý đúng cách. Hãy trang bị cho mình kiến thức cần thiết để chủ động phòng tránh và điều trị hiệu quả. Bắt đầu từ những thói quen nhỏ hôm nay, bạn có thể bảo vệ đôi mắt mình tốt hơn mỗi ngày. Nếu bạn hoặc người thân có biểu hiện nghi ngờ đau mắt đỏ, hãy nhanh chân đến Nhà Thuốc Thái Bình để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời.
HỆ THỐNG NHÀ THUỐC THÁI BÌNH
Hotline: 19003183
Không có bình luận nào cho bài viết.